Căn bếp thế nào mới hợp phong thủy
Không nên để các góc nhọn chiếu thẳng vào bếp, dao và những dụng cụ sắc nhọn tránh để lộ ra ngoài. Bếp cũng không nên bị đè nén từ phía trên như bị những thanh dầm đè hay phần cột ép xuống. Điều này ảnh hưởng không tốt đến người trong nhà, làm ăn khó khăn, bế tắc, không hanh thông.
Trong căn nhà, bếp giữ một vai trò rất quan trọng. Phong thủy cổ truyền quan niệm muốn phán đoán lành dữ của một ngôi nhà cần xem xét ba điểm cốt yếu nhất là cửa ra vào, phòng ngủ chủ nhà và bếp nấu trong phòng bếp (trường phái Dương trạch tam yếu). Xét về mặt chức năng, bếp là nơi cung cấp đồ ăn thức uống để tạo ra sinh thực khí cho con người, ăn uống tốt không chỉ đảm bảo sức khỏe mà còn để duy trì nếp sống sinh hoạt chung, đảm bảo hạnh phúc gia đình. Bếp đặt không tốt, không đúng cách, nhà cửa sẽ lạnh lẽo, thiếu căn cơ. Vì vậy việc bố trí bếp không được phép xem nhẹ.
Hướng bếp, muôn hình vạn trạng cách hiểu?
Quan niệm xưa cho rằng hỏa môn tức cửa miệng lò đuợc tính là huớng bếp. Cũng vì lí do đó ngày nay chúng ta thường tính hướng bếp theo hướng của đường đưa nhiên liệu vào. Tuy nhiên, xã hội hiện đại phát triển có rất nhiều kiều bếp mới ra đời và cách thức đưa nhiên liệu vào rất khác nhau. Từ đó khiến cho người muốn tìm hiểu về phong thủy cảm thấy rất lúng túng để tìm ra một hướng bếp đúng đắn cho mình. Có người khuyên tính hướng bếp là hướng của nút vặn công tắc ga. Nhưng khi gặp trường hợp nút điều khiển nằm ngay trên mặt bếp hướng thẳng lên trời thì lại chưa tìm được lời giải thích hợp lý.
Để có được lời giải, trước hết chúng ta nên hiểu sự vận hành chính là quá trình nạp khí cho bếp. Trong Phong thủy, sự tương tác vận động này tạo nên khí, bếp được nạp khí chính là do con người, vì vậy hướng bếp là hướng nhận thao tác của người nấu, tức là hướng ngược lại với mặt người nấu. Nói cách khác, hướng bếp là hướng lưng của người nấu. Khi đã nắm bắt rõ khái niệm hướng bếp thì cho dù bếp thay đổi đến đâu, có hiện đại đến thế nào, ta vẫn có thể tìm ra hướng một cách dễ dàng.
“Tọa cát” hay “tọa hung”?
Trong sách Bát trạch minh cảnh có viết bếp nên “tọa hung hướng cát”, nghĩa là phải đặt ở vị trí xấu và nhìn ra hướng tốt. Tuy nhiên, quan niệm này hiện nay cần phải có những điểu chỉnh cho phù hợp.
Ngày trước, người ta thường sử dụng các nhiên liệu như rơm rạ, than, củi để đun nên khu bếp thường là không gian nhiều khói bụi, ô nhiễm. Điều này khiến cho bếp thường được đặt ở những vị trí xấu. Lý thuyết phong thủy cho rằng những thứ gì xấu, ô nhiễm nên đặt ở vị trí xấu đối với gia chủ để “dĩ độc trị độc”!
Tuy nhiên, hiện nay, tính chất khu bếp đã thay đổi. Khoa học hiện đại và công nghẹ tiên tiến đã khiến gian bếp không còn ô nhiễm như xưa và trở nên sạch sẽ, gọn gàng. Chính vì vậy, mà ngày nay bếp nên được đặt ở những phương vị tốt sẽ hợp lý hơn, tức là bếp luôn phải “tọa cát hướng cát”. Ngoài ra nên đặt ống khói hay hút mùi tại phuơng vị xấu của căn nhà để “lấy hung chế hung”.
Bếp hiện đại nhưng không có chỗ tựa vững chắc
Những kiêng kị khi đặt bếp
Phong thủy học truyền thống cho rằng làm nhà bếp phải cần “tàng phong tụ khí”. Vì thế bếp nấu nhìn thẳng ra cửa chính hoặc sau bếp có cửa sổ đều không lành vì sợ gió thổi làm tắt đi ngọn lửa đầm ấm mang lại sung túc cho gia đình. Sách Dương trạch tam yếu có viết rằng : “Khai môn kiến táo, tiền tài đa hao” (Mở cửa nhìn ngay thấy bếp thì tiền tài hao hụt). Bếp trực xung với cửa chính còn dễ tạo ra thói quen ăn uống tụ tập rượu chè lu bù, trẻ con hay ăn, lười học. Thông thường, để đảm bảo sự kín đáo, người ta thường bố trí bếp ở phần sau của căn nhà và dùng những bình phong hoặc quầy ba vừa để che chắn, vừa làm cho không gian bếp thực sự là nơi thư giãn.
Khi thiết kế bếp cần tránh hiện tượng thủy hỏa tương xung dẫn đến những bất hòa trong gia đình. Bếp thuộc hỏa vốn kỵ thủy là nước. Vì vậy bếp không được đặt cạnh hoặc đối diện với chậu rửa. Đặc biệt cần tránh đặt bếp kẹp giữa 2 nguồn nước (ví dụ một bên là chậu rửa một bên là máy giặt). Ngoài ra, cần tránh đặt bếp phía trên đường ống cấp, thoát nước trong nhà.
Bếp là nơi nấu nướng, thường xuyên sinh nhiệt nên rất nóng bức. Trong khi đun nấu, bếp còn sinh ra khói dầu mỡ có hại. Chính vì thế, cần tránh đặt bếp cạnh hoặc đối diện với cửa phòng ngủ vốn là nơi để gia chủ nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Ngoài ra bếp đặt dưới giường ngủ cũng là kiêng kị, ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như tâm lý của người trong nhà.
Bếp đối diện bồn rửa gây nên tình trạng “thủy hỏa tương xung”
Bếp ăn cần phải sạch sẽ, thơm tho, không được để dơ bẩn, xú uế dễ gây mất vệ sinh, vi trùng yếm khí. Vì vậy, bếp ăn không nên đặt dưới nhà vệ sinh hay áp lưng vào wc cũng như đối diện với cửa phòng wc. Điều này dễ làm cho người trong nhà hay ốm đau bệnh tật, sức khỏe kém. Để tiết kiệm không gian, có một số gia đình thiết kế bếp và nhà vệ sinh cùng một cửa ra vào, như thế có nghĩa phải qua bếp rồi mới đến nhà vệ sinh hoặc ngược lại. Điều này rất bất hợp lý. Bếp là nơi cần đảm bảo vệ sinh nên được thiết kế riêng biệt và cách xa khu vực phòng vệ sinh.
Không nên để các góc nhọn chiếu thẳng vào bếp, dao và những dụng cụ sắc nhọn tránh để lộ ra ngoài. Bếp cũng không nên bị đè nén từ phía trên như bị những thanh dầm đè hay phần cột ép xuống. Điều này ảnh hưởng không tốt đến người trong nhà, làm ăn khó khăn, bế tắc, không hanh thông.
Hiện nay, nhiều người vẫn chưa thực sự chú ý đến gian bếp trong ngôi nhà của mình, coi nó chỉ là nơi đun cơm nấu nước, không có gì là quan trọng. Đây thực sự là một quan niệm sai lầm. Một tổ ấm hạnh phúc không bao giờ có một gian bếp lạnh lẽo. Trong nhịp sống hiện đại bộn bề hối hả, bếp vẫn luôn là nơi giữ lửa hạnh phúc và quan hệ mật thiết đến sự thành bại của mỗi người.
Tags: bếp hợp phong thủy, căn bếp hợp phong thủy, hướng bếp hợp phong thủy, nhà bếp hợp phong thủy
Leave a Reply